Cổng chùa Tual Prasat hay còn gọi là Cổng trời Khmer Koh Kas là một địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc ấp An Hoà, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cổng chùa thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến vì vẻ bề ngoài độc đáo, kiến trúc ấn tượng và mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Khmer.
1. Lịch sử hình thành nên cổng chùa Tual Prasat
Theo như tương truyền, Cổng chùa Tual Prasat được xây dựng vào thế kỷ 19. Tồn tại lâu đời là thế nhưng cổng chùa vẫn đứng vững vàng giữa cánh đồng bao la, tuy nhiên vẫn bị ảnh hưởng bởi gió sương của năm tháng.
Để đến được đây các bạn di chuyển theo (Link Google Map) và nếu như bạn di chuyển từ khu du lịch núi Cấm thì cũng rất gần thôi, qua đây khoản 5KM
Cổng chùa Tual Prasat không chỉ là một địa điểm du lịch đẹp mà còn là một biểu tượng văn hóa của người Khmer Nam Bộ. Cổng chùa là nơi thể hiện niềm tin tâm linh của người dân địa phương và là nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của người Khmer.
Và để thăm quan thêm nhiều địa điểm đẹp ở An Giang mời bạn đọc bài viết: “Top 20 Địa Điểm Nhất Định Phải Đến Khi Đi Du Lịch An Giang”
2. Khám phá những nét đặc trưng của Chùa Tual Prasat (Chùa Khmer Koh Kas)
Kiến trúc độc đáo của cổng chùa Tual Prasat
Cổng chùa nằm trên đường đi ngang qua chùa Hàng Còng. Một cánh cổng cũ kỹ cứ nằm yên ắng và sừng sừng ở đấy. Khi nhìn thấy được chiếc cổng chùa này thì bạn cũng biết được rằng bạn đã đến chùa Tual Prasat rồi đấy.
Cổng chùa được xây dựng trên con đường làng dài khoảng 500m. Hai bên đường là các cánh đồng lúa, xa xa chính là các hàng cây thốt nốt sừng sững, cứ đung đưa theo gió.
Cánh cổng được xây dựng bằng đá tổ ong, bao gồm 3 tầng và mỗi tầng thì tượng trưng cho một thế giới khác nhau. Lần lượt theo thứ tự đó chính là dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Hai tượng nữ bên trên cổng trời Cổng trời Khmer Koh Kas còn tượng trưng cho sự may mắn, thu hút tài lộc nữa đấy. Nếu ai có dịp đến gần cổng sẽ thấy được tượng được điêu khắc các hoa văn họa tiết về các vị thần, các linh vật trong phật giáo Nam Tông và hình ảnh văn hóa truyền thống của người Khmer một cách chỉnh chu, rõ nét.
Sau những năm tháng tồn tại, cánh cổng cũng dần bạt màu với thời gian nên người ta cũng thường hay gọi với cái tên thân thương là cổng thời gian, cổng Thiên Đàng hay cổng Trời.
Điểm check-in siêu xịn tại An Giang
Đến đây bạn có thể vô tư thả dáng với cổng trời. Điền đảm bảo bạn sẽ có một bộ sưu tập siêu lung linh.
Đặc biệt bạn có thể đi bộ đến cây thốt nốt cô đơn gần đó để check-in thơ mộng giữa cánh đồng cũng được đấy. Cây thốt nốt này cũng mang trong mình một câu chuyện cảm động lắm đấy. Cách đây 50 năm, cây thốt nốt được trồng bởi đôi tay của một người đàn ông, lý do mà ông làm như vậy là vì ông quá nhung nhớ người vợ quá cố của mình. Từ đó cây thốt nốt cô đơn trở thành biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu cho du khách tham quan khi đến đây.
3. Tham quan chùa Tual Prasat
Khi đến được cổng chùa thì bạn cũng có thể chạy dọc theo con đường làng khoảng 500m sẽ đến được chùa Tual Prasat. Đa số du khách đến đây chỉ ghé ngang cổng chùa để check-in, vậy nên nếu có thời gian bạn có thể đi sâu vào trong để tham quan. Tuy nhiên chùa sẽ không khan trang như các chùa khác trên địa bàn tỉnh địa phương nhưng cũng rất đáng để bạn bỏ thời gian tìm hiểu đấy.
Nếu có dịp đến với An Giang thì các bạn hãy thử ghé ngang qua nơi này. Khung cảnh xung quanh chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng đâu. Điền hy vọng bạn sẽ có một chuyến đi đáng nhớ tại An Giang nhé.
Chân đi không mỏi _Điền
Điền (Lê Vạn) – tác giả web: dicungdien.com